Chị Lương Thanh Hạnh, hay còn được gọi là “Cô gái Lụa”, cái tên gần gũi, yêu thương mà mọi người dành cho chị trong suốt hơn 10 năm nay. Chị sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa, trong 1 gia đình không biết về lụa, và cũng không học về chuyên ngành lụa. Chị chia sẻ, trong tuổi thơ, những ký ức về lụa và làng nghề truyền thống dường như không có. Ấy vậy mà, từ “con số 0 tròn trĩnh”, chị thành lập nên Công ty Cổ phần Hanhsilk, trở thành biểu tượng văn hoá Việt Nam, như 1 món quà thủ công, mang đậm bản sắc dân tộc và thể hiện sự trân quý đối với người được tặng.
Năm 2011, Công ty Cổ phần Hanhsilk ra đời – Chị Hạnh là nhà sáng lập và điều hành. Cơ duyên tiếp tục đưa chị đến với làng nghề lụa đũi truyền thống Nam Cao – Thái Bình, nơi có tuổi đời hơn 200 năm nhưng đã bị mai một. Cô gái Lụa chia sẻ: “Khi tôi đến, cả một làng nghề truyền thống chỉ còn 3 hộ dân duy nhất giữ nghề.”
Nhưng với suy nghĩ “dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với mọi khó khăn”, năm 2016, Hợp tác xã Lụa Đũi Nam Cao được thành lập với 9 thành viên, do chị Hạnh làm Chủ nhiệm, và phát triển đến năm 2022, HTX có 200 thành viên do chị là Chủ tịch HĐQT. Cùng tư duy mới hướng đến hội nhập quốc tế, chị Hạnh từng bước đưa làng nghề trở lại thời hoàng kim và tạo công ăn việc làm cho hơn 1000 hộ dân trên cả nước, đặc biệt là những người phụ nữ trên 60 tuổi, giúp họ sống vui, khoẻ, có ích. Cô gái Lụa tâm sự: “Tôi cùng Hanhsilk luôn toàn tâm và tỉ mỉ trong công việc với ước mơ giữ gìn và bảo tồn di sản văn hoá lụa Việt truyền thống, mong muốn cùng các nghệ nhân đưa lụa Việt ra bản đồ thế giới.”
Chia sẻ về mục tiêu, chị Hạnh cho biết sẽ đưa lụa Việt trở thành biểu tượng của ngành thời trang cao cấp chất lượng trên toàn thế giới, và đồng thời giữ gìn, bảo tồn làng nghề lụa truyền thống. Khi lựa chọn một làng nghề để phát triển, chị cho rằng: “Giữa thời điểm công nghiệp hóa, máy móc dần thay thế con người, các sản phẩm lụa trên thị trường khó giữ được cái “chất” ban sơ. Do đó, tôi trân trọng các sản phẩm làm thủ công và mong muốn giữ nguyên cái hồn của đũi, lụa.”
Nhờ tình yêu và niềm khát khao lớn với lụa đũi, sau hơn 10 năm, cô gái Lụa đã có 2 vùng nguyên liệu cho đơn hàng xuất khẩu đa dạng, cùng 1 vùng trồng dâu được phát triển tại Vũ Thư, Thái Bình với diện tích khoảng 700 ha. Đây cũng chính là nơi mà chị đã tạo nên tour du lịch cùng workshop tìm hiểu tại nơi đây.
Với khẩu hiệu “Let’s Handmade with heart together”, cô gái Lụa mong rằng sẽ có thể lan tỏa tình yêu nghề truyền thống đến với thế hệ trẻ, đưa sản phẩm lụa Việt đến với quốc tế và đem lại nhiều hơn nữa những tác động xã hội tích cực trong tương lai.